Menu
091.663.2282 - 0947.633.282 vinhquang.law@gmail.com

Sơ bộ quy trình giải quyết vụ án dân sự

quy trình giải quyết vụ án dân sựChi nhánh Thái Nguyên – Công ty Luật Việt Kim (Đoàn Luật sư Tp Hà Nội) có địa chỉ trụ sở chi nhánh tại số 272 Phan Đình Phùng, Tp Thái Nguyên xin kính chào Quý khách. Để hỗ trợ các khách hàng Cá nhân và Doanh nghiệp trong lĩnh vực Dân sự, Đất đai, Kinh doanh thương mại, Lao động chủ động nắm bắt được quy trình tố tụng cũng như các giai đoạn phối hợp giữa Chúng tôi và Quý khách hàng; chúng tôi hướng dẫn sơ bộ Quy trình giải quyết vụ án dân sự tại Tòa án nhân dân các cấp tại Thái Nguyên như sau:

I. BƯỚC 1: NỘP ĐƠN KHỞI KIỆN

Việc giải quyết vụ án dân sự của Tòa án chính thức phát sinh kể từ thời điểm Tòa án nhận đơn khởi kiện của nguyên đơn. Dự thảo đơn khởi kiện của Quý khách phải theo đáp ứng các điều kiện về hình thức và nội dung theo quy định tại Điều 189 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

Việc nộp đơn khởi kiện được thực hiện bằng cách:

  • Nộp trực tiếp (tòa án cấp ngay giấy xác nhận đã nhận đơn khởi kiện),
  • Gửi qua bưu điện (tòa án gửi thông báo nhận đơn khởi kiện chậm nhất sau 2 ngày),
  • Gửi trực tuyến qua cổng thông tin điện tử (áp dụng đối với Tòa án có cổng thông tin điện tử – tòa án gửi email phản hồi về việc nhận đơn khởi kiện).

Người khởi kiện phải gửi kèm theo đơn là các tài liệu, chứng cứ chứng minh cho việc quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.

II. BƯỚC 2: XEM XÉT VÀ THỤ LÝ ĐƠN KHỞI KIỆN

Quy trình xem xét đơn khởi kiện cụ thể như sau:

Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, Chánh án Tòa án phân công một Thẩm phán xem xét đơn khởi kiện

Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày được phân công, Thẩm phán phải xem xét đơn khởi kiện và thông báo ngay cho người khởi kiện khi có một trong các quyết định sau đây:

  • Chuyển đơn khởi kiện cho Tòa án có thẩm quyền và thông báo cho người khởi kiện nếu vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án khác;
  • Yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện; (áp dụng khi đơn khởi kiện không đủ các nội dung theo mẫu quy định. Thời hạn sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện do Thẩm phán xem xét đơn ấn định, nhưng không quá 01 tháng để người khởi kiện tiến hành sửa đổi, bổ sung các yêu cầu hợp pháp của Thẩm phán, trường hợp đặc biệt, Thẩm phán có thể gia hạn nhưng không quá 15 ngày. Quá thời hạn hạn trên, mà không tiến hành sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện thì sẽ bị trả lại đơn khởi kiện.
  • Trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện (áp dụng khi người khởi kiện không có quyền khởi kiện; không có năng lực hành vi dân sự; chưa đủ điều kiện khởi kiện, không nộp tiền tạm ứng án phí…) Trong vòng 10 ngày kể từ ngày nhận văn bản trả lại đơn khởi kiện, người khởi kiện có quyền khiếu nại về sự việc này.
  • Tiến hành thủ tục thụ lý vụ án (thẩm phán xem xét đơn ra thông báo cho người khởi kiện nộp tiền tạm ứng án phí). Trong vòng 07 ngày kể từ ngày nhận thông báo, người khởi kiện có nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng án phí của vụ kiện tại Cơ quan thi hành án và nộp lại biên lai này cho Tòa án để được thụ lý vụ án.

Thực tiễn tố tụng: Có nhiều trường hợp, sau 3 ngày làm việc nhưng Chánh án vẫn không phân công thẩm phán xem xét đơn khởi kiện theo quy định. Thực tế việc phân công này có thể kéo dài trong khoảng 1-2 tuần (tức 3-10 ngày làm việc).

Ngoài ra, việc xem xét đơn khởi kiện nhiều khi cũng không được thực hiện theo quy trình 5 ngày. Đa số các thông báo của Tòa án được gửi cho người khởi kiện trong khoảng 1-2 tháng hoặc hơn sau khi Tòa án nhận được đơn khởi kiện.

Riêng việc thụ lý đơn có thể kéo dài từ 2 – 3 tháng kể từ ngày Tòa án nhận đơn. Ngoài ra, thời hạn báo cáo tổng kết của ngành tòa án vào ngày 30/09 hàng năm, trong khi thời hạn chuẩn bị xét xử của vụ án dân sự tối đa là 04 tháng, có thể gia hạn tối đa 02 tháng. Nên thường các đơn khởi kiện gửi trong khoảng từ tháng 8 đến tháng 9 đa phần sẽ chưa được thụ lý giải quyết ngay mà thường để qua ngày 30/09 mới tiến hành thụ lý và giải quyết theo quy định, trừ trường hợp các vụ việc đơn giản có thể tiến hành xử lý theo thủ tục rút gọn (thời gian chuẩn bị xét xử không quá 30 ngày kể từ ngày thụ lý).

BƯỚC 3: CHUẨN BỊ VÀ XÉT XỬ SƠ THẨM

Theo quy định của pháp luật, thời gian chuẩn bị xét xử không quá 4 tháng, trường hợp đặc thù có thể kéo dài không quá 6 tháng. Nhưng thực tế do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, vụ việc có thể kéo dài lâu hơn thời gian quy định.

Trong quá trình chuẩn bị xét xử, tòa án sẽ tổ chức các phiên tiếp cận và công khai chứng cứ. Các chứng cứ được công khai có thể do mỗi bên giao nộp hoặc do tòa án thu thập được. Mỗi bên ngoài việc cung cấp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án thì còn phải cung cấp cho cả các đương sự khác. Và quyền yêu cầu phản tố của các đương sự này không còn sau khi Tòa án tổ chức buổi tiếp cận, công khai chứng cứ. Trong quá trình thu thập tài liệu, chứng cứ; Tòa án có quyền tạm đình chỉ vụ án để và thời gian thu thập tài liệu, chứng cứ hay thời gian tạm đình chỉ này không nằm trong khoảng thời gian chuẩn bị xét xử.

Trong quá trình chuẩn bị xét xử, các bên cũng có thể tự hòa giải hoặc đề nghị Tòa án hòa giải và công nhận sự thỏa thuận của đương sự để giải quyết vụ án được nhanh chóng và giảm thiểu khoản án phí phải nộp cho cơ quan nhà nước. Việc tự thỏa thuận phải đảm bảo các điều kiện ràng buộc về quyền và nghĩa vụ của các bên khi vi phạm sự tự thỏa thuận. Khi các bên không thể tự thỏa thuận (hòa giải) hoặc đã thỏa thuận được nhưng đương sự đã thay đổi ý kiến trong thời hạn nhất định thì Tòa án sẽ đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm.

Sau khi Tòa án ra bản án xét xử vụ việc thì các bên có quyền kháng cáo về bản án, khi đó, vụ việc sẽ chuyển sang bước 4. Trường hợp bản án, quyết định công nhận sự thỏa thuận của đương sự của tòa án có hiệu lực thì vụ việc sẽ chuyển sang bước 5.

BƯỚC 4: KHÁNG CÁO VÀ XÉT XỬ PHÚC THẨM

Trừ trường hợp đặc biệt, thì thời hạn kháng cáo bản án sơ thẩm là 15 ngày kể từ ngày Tòa tuyên án, kháng cáo quyết định sơ thẩm là 7 ngày kể từ ngày nhận được quyết định hoặc quyết định được niêm yết theo quy định.

Bản án, quyết định sơ thẩm bị đương sự kháng cáo, hoặc người có thẩm quyền kháng nghị thì chưa có hiệu lực và phải chuyển lên Tòa án cấp phúc thẩm để thụ lý giải quyết theo quy định sau khi người kháng cáo nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm theo thông báo.

Tòa cấp phúc thẩm có quyền giữ nguyên hoặc sửa bản án sơ thẩm hoặc hủy bản án sơ thẩm để xét xử lại. Và bản án của tòa cấp phúc thẩm có hiệu lực thi hành ngay. Trong trường hợp bị hủy án, vụ việc của Quý khách sẽ quay về Bước 2.

BƯỚC 5: THI HÀNH BẢN ÁN, QUYẾT ĐỊNH CÓ HIỆU LỰC

Khi bản án, quyết định giải quyết vụ việc của Quý khách đã có hiệu lực mà bị đơn, người có nghĩa vụ liên quan (người phải thi hành án) không tự nguyên thi hành, Quý khách cần làm thủ tục yêu cầu Cơ quan Thi hành án dân sự tổ chức thi hành bản án, quyết định của Tòa án. 

Trường hợp người phải thi hành án không có tài sản tại thời điểm ra quyết định thi hành án thì việc thi hành án việc thi hành án sẽ kéo dài mãi cho đến khi có tài sản để thi hành án và việc thi hành án được thực hiện xong; hoặc khi việc thi hành án bị Cơ quan thi hành án đình chỉ (khi người phải thi hành án chết và một số trường hợp đặc thù khác).

Trong trường hợp đương sự có tài sản để thi hành án, thì lệ phí thi hành án là 3% số tiền, giá trị tài sản thực nhận.