Menu
091.663.2282 - 0947.633.282 vinhquang.law@gmail.com

Việc xử phạt hành vi trốn thuế được quy định như thế nào

Ở nước ta, trước đây tội trốn thuế không phải là một tội nặng và được xử lý một cách “rốt ráo”, nhưng những năm gần đây, nhà nước ngày càng thắt chặt chính sách quản lý thuế, tăng cường chống thất thu thuế, gian lận thuế và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Do đó, Doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh cần nắm rõ các vấn đề pháp lý về hành vi trốn thuế và các quy định về xử phạt hành vi trốn thuế.

xử phạt hành vi trốn thuế

I. Hành vi thế nào được coi là trốn thuế !?

Theo quy định tại Điều 108 Luật quản lý thuế 2006, sửa đổi bổ sung năm 2012 thì các hành vi sau được coi là trốn thuế:

1. Không nộp hồ sơ đăng ký thuế; không nộp hồ sơ khai thuế; nộp hồ sơ khai thuế sau chín mươi ngày, kể từ ngày hết thời hạn nộp hồ sơ khai thuế theo quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 5 Điều 32 của Luật này hoặc ngày hết thời hạn gia hạn nộp hồ sơ khai thuế theo quy định tại Điều 33 của Luật này;

2. Không ghi chép trong sổ kế toán các khoản thu liên quan đến việc xác định số tiền thuế phải nộp;

3. Không xuất hoá đơn khi bán hàng hoá, dịch vụ hoặc ghi giá trị trên hoá đơn bán hàng thấp hơn giá trị thanh toán thực tế của hàng hoá, dịch vụ đã bán;

4. Sử dụng hoá đơn, chứng từ bất hợp pháp để hạch toán hàng hoá, nguyên liệu đầu vào trong hoạt động phát sinh nghĩa vụ thuế làm giảm số tiền thuế phải nộp hoặc làm tăng số tiền thuế được miễn, số tiền thuế được giảm hoặc tăng số tiền thuế được khấu trừ, số tiền thuế được hoàn;

5. Sử dụng chứng từ, tài liệu không hợp pháp khác để xác định sai số tiền thuế phải nộp, số tiền thuế được hoàn;

6. Khai sai với thực tế hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu mà không khai bổ sung hồ sơ khai thuế sau khi hàng hóa đã được thông quan;

7. Cố ý không kê khai hoặc khai sai về thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu;

8. Cấu kết với người gửi hàng để nhập khẩu hàng hoá nhằm mục đích trốn thuế;

9. Sử dụng hàng hóa thuộc đối tượng không chịu thuế, miễn thuế, xét miễn thuế không đúng mục đích quy định mà không khai báo việc chuyển đổi mục đích sử dụng với cơ quan quản lý thuế.

II. Trách nhiệm hành chính khi thực hiện hành vi trốn thuế ?

Điều 13 Thông tư 166/2013/TT-BTC hướng dẫn xử phạt vi phạm hành chính thuế có quy định xử phạt hành vi trốn thuế như sau:

Phạt tiền 1 lần tính trên số thuế trốn đối với người nộp thuế vi phạm lần đầu (trừ các trường hợp bị xử phạt đối với hành vi khai sai dẫn đến thiếu thuế) hoặc vi phạm lần thứ hai mà có từ hai tình tiết giảm nhẹ trở lên. Đặc biệt, người nộp thuế vi phạm pháp luật thuế có thể bị xử phạt tiền 3 lần tính trên số tiền thuế trốn trong các trường hợp: vi phạm lần thứ hai mà có từ hai tình tiết tăng nặng trở lên hoặc vi phạm lần thứ ba có tình tiết tăng nặng hoặc vi phạm từ lần thứ tư trở đi. Đồng thời, người nộp thuế vi phạm bị buộc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là nộp đủ số tiền thuế trốn, gian lận vào ngân sách nhà nước.

Điều 110 Luật Quản lý thuế cũng có quy định về thời hiệu xử phạt vi phạm đối với hành vi trốn thuế, gian lận thuế chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự là năm năm, kể từ ngày thực hiện hành vi vi phạm. 

Quá thời hiệu xử phạt vi phạm pháp luật về thuế thì người nộp thuế không bị xử phạt nhưng vẫn phải nộp đủ số tiền thuế thiếu, số tiền thuế trốn, số tiền thuế gian lận, tiền chậm nộp vào ngân sách nhà nước trong thời hạn mười năm trở về trước; kể từ ngày phát hiện hành vi vi phạm. Trường hợp người nộp thuế không đăng ký thuế thì phải nộp đủ số tiền thuế thiếu, số tiền thuế trốn, số tiền thuế gian lận, tiền chậm nộp cho toàn bộ thời gian trở về trước, kể từ ngày phát hiện hành vi vi phạm

III. Trách nhiệm hình sự của người thực hiện của hành vi trốn thuế ?

Theo quy định tại Điều 161 Bộ luật Hình sự 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009 thì:

1. Người nào trốn thuế với số tiền từ một trăm triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng hoặc dưới một trăm triệu đồng nhưng đã bị xử phạt hành chính về hành vi trốn thuế hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 153, 154, 155, 156, 157, 158, 159, 160, 164, 193, 194, 195, 196, 230, 232, 233, 236 và 238 của Bộ luật này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ một lần đến năm lần số tiền trốn thuế hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm.

2. Phạm tội trốn thuế với số tiền từ ba trăm triệu đồng đến dưới sáu trăm triệu đồng hoặc tái phạm về tội này, thì bị phạt tiền từ một lần đến năm lần số tiền trốn thuế hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

3. Phạm tội trốn thuế với số tiền từ sáu trăm triệu đồng trở lên hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ một lần đến ba lần số tiền trốn thuế.

Điều này có nghĩa là mặc dù người vi phạm có thể trốn thuế 1 Việt Nam đồng, nhưng nếu trước đó đã bị xử phạt hành vi trốn thuế, cũng có thể bị phạt tù đến 02 năm.

Lưu ý: Trường hợp người vi phạm đã bị xử phạt vi phạm hành chính trước đó, nếu trong thời hạn 06 tháng, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt cảnh cáo hoặc 01 năm, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt hành chính khác hoặc từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt mà không tái phạm thì được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính.