Menu
091.663.2282 - 0947.633.282 vinhquang.law@gmail.com

Đầu tư kinh doanh bể bơi có cần giấy phép kinh doanh

Bạn đọc hỏi: Tôi dự định xây dựng một bể bơi với kích thước 20×40, diện tích khoảng 800m2 bằng vốn tự có. Cho tôi hỏi việc kinh doanh bể bơi có cần giấy phép kinh doanh không. Ngoài ra tôi phải lưu ý gì khi đưa bể bơi vào hoạt động ? Xin cảm ơn Luật sư.

kinh doanh bể bơi có cần giấy phép

Đơn vị tư vấn và cung cấp dịch vụ: 

  • Chi nhánh Thái Nguyên – Công ty Luật Việt Kim (Đoàn Luật sư Tp Hà Nội)
  • Địa chỉ: số 272 Phan Đình Phùng, Tp Thái Nguyên
  • Điện thoại: 091.663.2282 (Luật sư Vũ Quang) 

Tư vấn của Luật sư về việc kinh doanh bể bơi có cần giấy phép:

Việc kinh doanh bể bơi là hoạt động thương mại cần đăng ký kinh doanh dưới loại hình doanh nghiệp, hợp tác xã hoặc Hộ kinh doanh. Trường hợp bạn thành lập doanh nghiệp để kinh doanh bể bơi, thì trước khi tiến hành hoạt động phải được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao. 

Doanh nghiệp kinh doanh hoạt động thể thao cần phải đáp ứng các điều kiện kinh doanh sau: có đội ngũ cán bộ, nhân viên chuyên môn phù hợp với nội dung hoạt động; có cơ sở vật chất, trang thiết bị đáp ứng yêu cầu hoạt động thể thao; có nguồn tài chính bảo đảm hoạt động kinh doanh. Nếu đủ điều kiện trên, Doanh nghiệp chuẩn bị hồ sơ gồm: đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động và  bản tóm tắt tình hình chuẩn bị các điều kiện kinh doanh. Hồ sơ gửi UBND tỉnh nơi đăng ký kinh doanh để cấp phép trong thời hạn bảy ngày làm việc.

Ngoài ra, bất kể bạn đầu tư loại hình kinh doanh bể bơi nào cũng cần đáp ứng các quy định sau:

1. Bể bơi phải có kích thước tối thiểu 8m x18m hoặc có diện tích tương đương; đáy bể có độ dốc đều, không gấp khúc, chênh lệch độ sâu không quá 1m đối với bể bơi có chiều dài trên 25m hoặc không quá 0,5m đối với bể bơi có chiều dài đến 25m; thành bể, đáy bể sạch, gạch lát nền không nứt vỡ. Đối với bể nhảy cầu, đáy phải màu trắng. Mật độ: 01 người/m2 ở khu vực nước nông (độ sâu dưới 1,0m) hoặc 01 người/2m2 ở khu vực nước sâu (độ sâu từ 1,0m trở lên).

2. Bể phải căng dây phao dọc theo đường bơi cho các bể bơi có độ sâu từ 1,40m trở lên dùng cho các đối tượng đã biết bơi; căng dây phao ngang để chia khu vực có độ sâu từ 1m trở xuống cho người chưa biết bơi ngăn với khu vực có độ sâu hơn 1m đối với bể bơi có độ sâu khác nhau.

3. Mỗi bể bơi phải có ít nhất 06 sào cứu hộ dài 2,50m, sào cứu hộ được sơn màu đỏ – trắng, được đặt ở các vị trí thuận lợi trên thành bể dễ phát hiện để khi cần mọi người đều có thể sử dụng; có ít nhất 06 chiếc phao cứu sinh được đặt ở vị trí thuận lợi, dễ nhìn thấy. Ghế cứu hộ phải có chiều cao ít nhất 1,50m (tính từ mặt bể), được đặt ở hai bên thành bể để đảm bảo vị trí quan sát thuận lợi cho nhân viên cứu hộ.

4. Bể chỉ được lắp bục xuất phát bơi đối với bể bơi có độ sâu tối thiểu 1,35m; đối với bể nhảy cầu, chiều sâu của bể ít nhất bằng nửa chiều cao tính từ mặt nước đến vị trí đặt bục nhảy.

5. Sàn xung quanh bể bơi (kể cả khu vực vệ sinh và tắm tráng) phải phẳng không đọng nước, đảm bảo không trơn trượt. Bồn nhúng chân át gạch tráng men, sâu từ 0,15m – 0,2m; đặt tại vị trí trước khi người tập xuống bể. 6. Bể bơi phải có hệ thống âm thanh đủ công suất đảm bảo mọi khu vực trên mặt bể đều có thể nghe rõ những thông báo cần thiết; có hệ thống ánh sáng không nhỏ hơn 300Lux ở mọi địa điểm trên mặt bể bơi. 

7. Nước bể bơi đáp ứng được chỉ tiêu chất lượng nước sinh hoạt theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sinh hoạt. Đảm bảo thay nước, cọ rửa và khử trùng nước theo quy định, ít nhất 1 lần/tuần nếu bể̀ bơi dùng nước giếng khoan, không có hệ thống lọc tuần hoàn và xử lý bằng hóa chất. Đối với các bể̀ bơi có hệ thống lọc tuần hoàn thì tối thiểu 1 lần/ngày phải làm vệ sinh thành bể̀ và hút cặn, bơm bù đủ nước.

8. Bể phải có nhà tắm, nhà vệ sinh và phòng thay đồ. Có phòng y tế, có giường nghỉ cho người bị mệt và cấp cứu, có đủ cơ số thuốc cấp cứu, dụng cụ cấp cứu ngạt nước; phải đăng ký liên kết cấp cứu với cơ sở y tế gần nhất.

9. Mỗi bể bơi phải có bảng nội quy đặt ở vị trí dễ đọc, dễ xem. Nội dung nội quy phải quy định rõ trách nhiệm của cơ sở thể thao hoạt động bơi, lặn; quyền và nghĩa vụ của người tham gia tập luyện; quy định khuyến cáo những người không nên tham gia bơi, lặn như: người mắc các bệnh truyền nhiễm có khả năng lây truyền qua tiếp xúc với nước bể bơi, người mắc các bệnh có nguy cơ cao dễ gây tai biến ảnh hưởng đến sức khoẻ theo chỉ định của bác sĩ, người uống rượu, ăn no, vừa làm việc quá mệt hoặc phơi ngoài nắng lâu; những người không được tham gia bơi, lặn; quy định về trang phục đối với người tập và các nhân viên làm việc tại bể bơi;

10. Trong khu vực bể bơi phải có đầy đủ các bảng báo hiệu đặt ở các hướng khác nhau và ở vị trí thuận lợi nhất cho việc quan sát và chỉ dẫn người sử dụng bể bơi. VD: Bảng báo hiệu khu vực dành cho người không biết bơi (có độ sâu từ 1m trở xuống) đặt trên thành bể sát khu vực cần khuyến cáo. Bảng cấm để thông báo cấm các hành vi như nhảy chúi cắm đầu ở khu vực bể bơi có độ sâu ít hơn 1,40m. Bảng thông báo nguy hiểm; độ sâu nguy hiểm, khu vực dành cho những người biết bơi, có độ sâu từ 1,50m; khu vực hạn chế đi lại, khu vực ưu tiên dành cho người khuyết tật, người già yếu; các bảng đề nghị giữ vệ sinh chung, tắm sạch trước khi xuống bể bơi.

11. Nhân viên cứu hộ: Phải đảm bảo có nhân viên cứu hộ có chứng nhận chuyên môn cứu hộ thường trực với tỷ lệ 200m2 bể bơi/nhân viên hoặc khi có đông người tham gia tập luyện phải đảm bảo tỷ lệ 50 người bơi/nhân viên. Nhân viên cứu hộ phải ngồi ở vị trí không bị ngược sáng để quan sát, giám sát chặt chẽ khu vực được phân công; luôn ở tư thế sẵn sàng cứu hộ; Có trách nhiệm thường xuyên nhắc nhở người bơi thực hiện tốt nội quy của bể bơi về đảm bảo an toàn.

Chúc bạn kinh doanh thành công !

Biên tập bởi Bộ phận tư vấn khởi nghiệp:

  • Chi nhánh Thái Nguyên – Công ty Luật Việt Kim (Đoàn Luật sư Tp Hà Nội)
  • Địa chỉ: số 272 Phan Đình Phùng, Tp Thái Nguyên
  • Điện thoại: 086.888.2226 (văn phòng) hoặc 091.663.2282 (Luật sư Vũ Quang)