Quyền im lặng là gì và khi nào thì nên sử dụng quyền im lặng
Bạn đọc hỏi: Qua theo dõi vụ án Trương Hồ Phương Nga – Cao Toàn Mỹ, tôi thấy báo chí nhắc đến việc sử dụng quyền im lặng, vậy Luật sư cho tôi hỏi quyền im lặng là gì, được quy định như thế nào và khi nào thì nên sử dụng quyền im lặng?
Trả lời của Luật sư:
Quyền im lặng là gì !?
Trước hết, phải nói rằng pháp luật tố tụng hình sự của Việt Nam không quy định và ghi nhận chính thức “Quyền im lặng“. Tuy nhiên, quyền này được quy định gián tiếp tại Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 với quy định Người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt; Người bị tạm giữ; Bị can; Bị cáo; Người đại diện của pháp nhân có quyền “Trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội”. Quy định này là một quy định tiến bộ, phù hợp với pháp luật của các nước văn minh, tiến bộ, phù hợp với Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị mà Việt Nam đã tham gia từ năm 1988.
Các quy định về tố tụng hình sự trước đây không có quy định về việc những đối tượng này có quyền từ chối đưa ra lời khai hoặc lời nhận tội mà chỉ quy định về việc họ có quyền được khai báo và tự bào chữa. Nên dù theo quy định nào đi chăng nữa, thì khi các đối tượng này không khai báo thì Cơ quan điều tra cũng không được sử dụng các biện pháp trái pháp luật để buộc hoặc đề nghị họ chủ động khai báo.
Việc sử dụng “quyền im lặng” có bị xem là không “thành khẩn khai báo” !?
Bộ luật tố tụng hình sự 2015 có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2018, nên trừ một số quy định để thi hành các quy định có lợi cho người phạm tội thì “Quyền im lặng” này vẫn chưa có hiệu lực thi hành. Nhưng phải hiểu rằng các quyền đương nhiên của con người không phụ thuộc vào việc ghi nhận trong luật thành văn của Nhà nước. Người bị tạm giữ, Bị can, bị cáo hoàn toàn có quyền giữ im lặng khi bị điều tra, xét hỏi. Bởi luôn có một nguyên tắc cơ bản, bất di bất dịch trong tố tụng hình sự đó là trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan tố tụng. Người bị buộc tội có quyền nhưng không có nghĩa vụ phải chứng minh là mình vô tội.
Tuy nhiên, trên thực tế, nếu người bị tạm giữ, bị can, bị cáo không khai báo các tình tiết liên quan sự việc mà mình biết dẫn đến việc điều tra, xác minh sự thật khách quan của vụ án bị chậm hơn bình thường, ảnh hưởng đến hoạt động tố tụng của các cơ quan chức năng, xâm phạm quyền lợi của người bị hại; thì có thể bị xem xét là “ngoan cố”, “không thành khẩn” và có thể không được hưởng tình tiết giảm nhẹ là “thành khẩn khai báo” hoặc bị áp dụng mức hình phạt nặng hơn (so với việc có khai báo) khi tòa tuyên án.
Khi nào nên sử dụng quyền im lặng !?
Quyền im lặng có thể được sử dụng trong bất kỳ giai đoạn nào của vụ án khi điều tra, truy tố, xét xử. Nhưng chỉ nên sử dụng quyền im lặng mang tính chất “chiến thuật”; tức im lặng khi chưa có Luật sư; im lặng khi trạng thái tinh thần, sức khỏe không đảm bảo; im lặng khi khai báo sẽ phát sinh các nghĩa vụ, trách nhiệm khác….
Không phải lúc nào người bị tạm giữ, bị can, bị cáo sử dụng quyền im lặng cũng là giải pháp tốt nhất. Nếu người bị tạm giữ, bị can, bị cáo thật sự phạm tội và cơ quan điều tra hoàn toàn có thể điều tra chân tướng vụ việc mà không phụ thuộc vào lời khai của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo thì nên thành khẩn khai báo để được hưởng tình tiết giảm nhẹ.
Nếu cảm thấy mình bị oan, bị khởi tố sai tội danh, sai khung hình phạt; thì người bị tạm giữ, bị can, bị cáo nên nhờ Luật sư bảo vệ ngay từ giai đoạn điều tra hoặc ngay khi bị tạm giữ hoặc bị bắt. Bởi theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, Luật sư có quyền tham gia vụ việc từ giai đoạn điều tra, và khi hỏi cung, cơ quan điều tra buộc phải thông báo cho Luật sư. Nếu cơ quan điều tra không thông báo cho Luật sư tham gia thì các biên bản lấy lời khai hay bản cung này sẽ không có giá trị bởi thực hiện sai trình tự thủ tục và không được xem xét là chứng cứ hợp pháp để buộc tội bị cáo.
Cần lưu ý là khi thực hiện quyền im lặng thì bị cáo không mất quyền “tự bào chữa” bởi các quyền của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo là độc lập với nhau, việc thực hiện/không thực hiện một hay một số quyền không làm ảnh hưởng tới các quyền khác.
Thân !
______________________________________________________________________
Nếu Quý khách cần Luật sư tranh tụng tại Thái Nguyên trong vụ án Hình sự:
Hãy bấm “vào đây” và Liên hệ lại với chúng tôi hoặc vui lòng liên hệ chúng tôi theo địa chỉ:
- Chi nhánh Thái Nguyên – Công ty Luật TNHH Việt Kim (Đoàn Luật sư Tp Hà Nội)
- Địa chỉ: số 272 Phan Đình Phùng, Tp Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên.
- Điện thoại: 091.663.2282 (Luật sư Quang)
- Email: vinhquang.law@gmail.com
Chúng tôi cam kết đem đến cho Qúy khách sự hỗ trợ tận tình, chu đáo, uy tín với một mức giá dịch vụ hết sức hợp lý trên tiêu chí: “Sự hài lòng của quý khách chính là niềm động lực của chúng tôi”.
Chúng tôi luôn sẵn sàng cung cấp dịch vụ tốt nhất cho Quý khách hàng.
Trân trọng !