Đánh oan, đánh hội đồng người khác phạm tội gì ?
Bạn đọc hỏi: Kính thưa Luật sư, tôi đọc báo thấy hiện nay có nhiều trường hợp người dân tự phát đánh, mắng, thậm chí tấn công gây thương tích đối với người lạ đi vào khu dân cư bị vu oan là bắt cóc trẻ em, trộm chó, lừa thuốc mê … Vậy cho tôi hỏi việc đánh oan, đánh hội đồng người khác phạm tội gì ? Xin cảm ơn Luật sư.
Đơn vị tư vấn và cung cấp dịch vụ:
- Chi nhánh Thái Nguyên – Công ty Luật Việt Kim (Đoàn Luật sư Tp Hà Nội)
- Địa chỉ: số 272 Phan Đình Phùng, Tp Thái Nguyên
- Điện thoại: 091.663.2282 (Luật sư Vũ Quang)
Luật sư tư vấn về việc đánh hội đồng người khác phạm tội gì như sau:
Phải nói rằng những người dân đã tự tổ chức tấn công người khác vừa đáng thương, vừa đáng giận. Đáng thương vì những hành vi này xuất phát từ sự lan truyền quá mức các tin đồn vô căn cứ dẫn đến tình trạng người dân hoang mang, lo sợ về hậu quả xấu tương tự có thể xảy ra đối với người thân, gia đình của mình. Nhưng cũng đáng giận vì hành vi của họ xuất phát vì lòng nghi ngờ mù quáng, vì sự thiếu niềm tin về trách nhiệm bảo vệ công dân của các cơ quan chức năng. Đây là hành vi cố ý gây thương tích, bởi trừ trường hợp phòng vệ chính đáng thì không pháp luật hay không ai cho họ quyền tấn công người khác. Mức hình phạt cao nhất khi bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi này là tù chung thân.
Tôi có theo dõi một số trường hợp báo chí đã phản ánh, đa phần các vụ việc này đều có dấu hiệu tấn công với tính chất côn đồ khi bất chấp sự can ngăn của người khác, hoặc chỉ vì nghi ngờ mù quáng đã tấn công người khác; hoặc phạm tội đối với nhiều người (tấn công 2 người trở lên) khi đó, dù người bị tấn công chỉ bị thương tật từ 1%, cũng và có đơn yêu cầu khởi tố vụ án, khởi tố bị can thì những người tấn công cũng sẽ có thể bị phạt tù đến 3 năm. Khi tỷ lệ thương tật cao hơn thì có thể bị xử phạt tù đến 5 năm, 7 năm hoặc cao hơn nữa.
Ở đây nói thêm về trường hợp “đánh hội đồng”, thời phong kiến có câu nói “pháp bất trị chúng”, tức pháp luật không xử lý được đám đông, vì khó có thể xác định cụ thể người phạm tội và truy cứu trách nhiệm hình sự với số lượng lớn. Nhưng trong giai đoạn hiện nay, thì nghiệp vụ điều tra, xác minh của cơ quan thực thi pháp luật đã chuyên nghiệp hơn rất nhiều, và dựa trên nguyên tắc thượng tôn pháp luật, thì mọi hành vi vi phạm đều phải bị truy cứu trách nhiệm và xử lý nghiêm minh.
Do đó, bất kỳ ai tham gia hoặc xúi giục tấn công người khác theo kiểu đánh hội đồng nêu trên đều sẽ bị xử lý. Nếu để lại tỷ thương tật như trên thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự, còn nếu hành vi tấn công này không đủ điều kiện để xử lý hình sự thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính do vi phạm trật tự công công do thực hiện hành vi đánh nhau theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP, với mức xử phạt từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng.
Người dân cũng nên tham khảo các Điều 104 của Bộ luật Hình sự 1999 sửa đổi năm 2009 và Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015 đã được sửa đổi năm 2017 (chưa có hiệu lực nhưng đã được áp dụng các tình tiết có lợi cho người phạm tội) để biết hậu quả các hành vi của mình. Tôi xin trích dẫn Điều 104 của Bộ luật hình sự 1999 sửa đổi năm 2009 quy định về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác để bạn đọc tham khảo.
1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:
A) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người;
B) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân;
C) Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người;
D) Đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;
Đ) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;
E) Có tổ chức;
G) Trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục;
H) Thuê gây thương tích hoặc gây thương tích thuê;
I) Có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm;
K) Để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.
2. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% hoặc từ 11% đến 30%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.
3. Phạm tội gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc dẫn đến chết người hoặc từ 31% đến 60%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm.
4. Phạm tội dẫn đến chết nhiều người hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân.
Lưu ý: Một số nội dung trong quy định này đã được chỉnh sửa tại Bộ luật hình sự năm 2015 theo hướng có lợi cho người phạm tội. Khi xảy ra vụ việc có liên quan đến tội danh này, bạn đọc nên tham khảo ý kiến của Luật sư để có được sự tư vấn cụ thể, chính xác nhất
Trân trọng !
Biên tập bởi Bộ phận tư vấn pháp luật Hình sự – Hành chính:
- Chi nhánh Thái Nguyên – Công ty Luật Việt Kim (Đoàn Luật sư Tp Hà Nội)
- Địa chỉ: số 272 Phan Đình Phùng, Tp Thái Nguyên
- Điện thoại: 0934.666.282