Nguyên tắc làm việc với cơ quan nhà nước khi xử lý vi phạm
Trong quá trình hỗ trợ khách hàng giải quyết các vi phạm hành chính, chúng tôi nhận thấy nhiều trường hợp khách hàng đã tự đưa mình vào thế bất lợi. Tổng hợp lại, chúng tôi hướng dẫn bạn đọc một số các nguyên tắc làm việc với Cơ quan nhà nước khi xử lý vi phạm hành chính:
1. NGUYÊN TẮC NHẸ NHÀNG.
Khi công dân bị Cơ quan nhà nước hoặc Người có thẩm quyền đã thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, thì trước hết, chúng ta nên làm việc một cách nhẹ nhàng, bình tĩnh để tiếp thu, lắng nghe một cách rõ ràng, chính xác và đầy đủ các quan điểm, ý kiến của Cơ quan nhà nước hoặc người có thẩm quyền về hành vi vi phạm.
Không nên cắt ngang việc thông báo vi phạm của Cơ quan nhà nước hoặc Người có thẩm quyền tránh trường hợp phải giải quyết xong vi phạm này lại được tiếp tục thông báo vi phạm khác vì lý do “Lúc nãy tôi chưa thông báo xong anh/chị đã cắt ngang lời tôi”. VD: khi nghe CSGT thông báo lỗi, cần hỏi kỹ lại, ngoài các lỗi đã thông báo, chúng tôi còn vi phạm lỗi nào không, đề nghị đồng chí thông báo nốt; sau đó mới tiến hành giải quyết theo quy trình tiếp theo.
Cơ quan nhà nước là cơ quan quản lý, công dân là người bị quản lý, là người yếu thế hơn trong mối quan hệ hành chính, nên việc mềm mỏng với Cơ quan nhà nước cũng sẽ tạo thiện cảm hơn cho phía Cán bộ trực tiếp giải quyết vụ việc để giải quyết vụ việc một cách khách quan, thuận lợi, nhanh chóng.
2. NGUYÊN TẮC THÔNG BÁO CĂN CỨ PHÁP LÝ
Khi cho rằng công dân vi phạm pháp luật, Cơ quan nhà nước hoặc Người có thẩm quyền xử lý vi phạm có nghĩa vụ thông báo cụ thể hành vi của Công dân đã vi phạm điểm, khoản, điều của văn bản quy phạm pháp luật nào với số hiệu, cơ quan ban hành, ngày ban hành cụ thể.
Công dân nên từ chối làm việc khi không được thông báo căn cứ pháp lý cho việc xác định vi phạm, bởi nghĩa vụ của người xử lý vi phạm là phải nắm được các quy định của pháp luật làm căn cứ xác định có hay không việc vi phạm và quy trình, mức xử phạt vi phạm như thế nào.
Căn cứ vào nội dung thông báo, Công dân nên tự kiểm tra lại xem các căn cứ pháp lý đã nêu có phải là quy định điều chỉnh hành vi của mình hay không. Sau đó mới tiến hành chứng minh mình không vi phạm hoặc thừa nhận có vi phạm và chấp nhận xử phạt.
3. NGUYÊN TẮC BẰNG VĂN BẢN
Việc xử phạt phải được thực hiện bằng văn bản (có thể không lập biên bản đối với các vi phạm có mức xử phạt nhẹ). Văn bản này là căn cứ để người vi phạm đóng tiền phạt cho Nhà nước, và thực hiện các quyền khiếu nại, khởi kiện khi cho rằng mình bị xử phạt sai.
Do đó, không nên tranh cãi, tranh chấp bằng miệng với cán bộ, công chức hoặc người giải quyết vụ việc đang làm việc với mình, vì việc này đa phần sẽ không có kết quả, hoặc sự việc không được ghi lại bằng văn bản thì sẽ bất lợi cho việc khiếu kiện sau này (nếu công dân đúng).
4. NGUYÊN TẮC KHÔNG CẢN TRỞ
Công dân không nên gây khó khăn cho cán bộ, công chức hoặc người giải quyết vụ việc đang làm việc với mình bằng bất kỳ biện pháp nào, ví dụ như to tiếng, lăng mạ, xô đẩy, cản trở, không phối hợp …
Bởi nếu công dân sai, thì việc thực hiện đã tự đưa mình vào “thế khó” và có thể bị xem xét áp dụng tình tiết tăng nặng hoặc bị “bới móc” các sai phạm khác. Còn nếu công dân đúng, thì không việc gì phải tranh cãi, hãy áp dụng nguyên tắc 3 và thực hiện quyền khiếu nại nếu người giải quyết “dám” lập biên bản hoặc “dám” ra quyết định xử phạt trực tiếp không cần biên bản.
Trên đây là một số các nguyên tắc làm việc với cơ quan nhà nước khi xử lý vi phạm hành chính.
Trường hợp cần tư vấn sâu hơn, hãy bấm “vào đây” hoặc Chi nhánh Thái Nguyên – Công ty Luật Việt Kim (Đoàn Luật sư Tp Hà Nội) theo thông tin dưới đây để được nhận sự tư vấn nhanh chóng, trực tiếp:
- Địa chỉ: số 272 Phan Đình Phùng, Tp Thái Nguyên, Thái Nguyên
- Điện thoại: 091.663.2282
- Email: vinhquang.law@gmail.com
Mong rằng sẽ giúp ích cho bạn đọc.