Xử phạt hành vi đỗ xe chắn cửa nhà dân và hành vi phá hoại xe
Bạn đọc hỏi: Hiện nay tôi thấy báo chí phản ánh nhiều trường hợp Tài xế đỗ xe chắn cửa nhà dân, trường hợp này có vi phạm pháp luật hay không ? Chủ nhà cho rằng khoảng không trước cửa nhà cũng thuộc quyền quản lý mình nên cấm không cho tài xế đỗ xe, vậy có đúng luật không ? Chủ nhà sơn, vẽ bậy, phá hoại xe đỗ chắn ngang cửa nhà thì bị xử phạt như thế nào khi không có bằng chứng? Xin cảm ơn Luật sư !
Luật sư tư vấn: Chi nhánh Thái Nguyên – Công ty Luật Việt Kim (Đoàn Luật sư Tp Hà Nội)
- Địa chỉ: số 272 Phan Đình Phùng, Tp Thái Nguyên
- Điện thoại: 091.663.2282 (Luật sư Vũ Quang)
- Email: vinhquang.law@gmail.com
Việc đỗ xe ở lòng, lề đường không bị xử phạt nếu việc dừng, đỗ này không vi phạm các quy định của pháp luật về giao thông đường bộ. VD như nơi đỗ xe không thuộc khu vực cấm đỗ, và người điều khiển phương tiện đã thực hiện các biện pháp cảnh báo nguy hiểm theo quy định (nếu cần thiết). Hiện nay, pháp luật không có chế tài xử phạt đối với việc đỗ xe chắn ngang nhà dân, hay kể cả chắn ngang trụ sở cơ quan, tổ chức trong các trường hợp này.
Chủ nhà chỉ có quyền sở hữu bất động sản theo ranh giới nhà của mình. Hành lang đường, vỉa hè, lòng đường là tài sản công cộng do nhà nước quản lý. Người dân không được tự ý thực hiện quyền quản lý đối với các khu vực này, trừ trường hợp được cơ quan có thẩm quyền cho phép.
Các hành vi như sơn, vẽ, cạo sơn xe hoặc đập kính, phá gương, chọc lốp hay các hành vi phá hoại lên xe ô tô của người khác nếu làm hư hỏng xe thì phải bồi thường thiệt hại, ngoài ra, còn bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng do thực hiện hành vi “Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác” theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Nếu thiệt hại nặng, người thực hiện hành vi còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến chung thân khi gây thiệt hại từ 2.000.000 đồng trở lên hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản theo quy định tại Điều 143 Bộ luật Hình sự.
Đối với hành vi khóa xe của người khác, cũng có thể bị phạt với mức phạt tương tự theo quy định tại điểm e khoản 2 Điều 15 Nghị định 167 nêu trên hoặc bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 5 năm khi chiếm giữ trái phép tài sản có giá trị từ 10.000.000 đồng trở lên theo quy định tại Điều 141 Bộ luật Hình sự.
Tuy nhiên, việc xử phạt hay truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi phá hoại xe chỉ được thực hiện khi có các căn cứ, bằng chứng cần thiết. VD như hình ảnh, video quay lại cảnh phá hoại hoặc lời khai của người làm chứng … Nếu việc phá hoại xe được thực hiện ở nơi kín đáo, không ai thấy hoặc không có phương tiện kỹ thuật quay chụp lại được, thì chủ xe khó có thể xác định được ai là người trực tiếp phá hoại để yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Khi phát hiện có xe đỗ xe chắn cửa nhà, chủ nhà nên làm gì ?
Đỗ xe dưới lòng đường là giải pháp tình thế khi mà quanh khu vực dừng đỗ không có các bến, bãi đỗ xe. Tuy nhiên, việc đỗ xe dưới lòng đường cũng nên lựa chọn các vị trí phù hợp, tránh ảnh hưởng đến việc lưu thông của các phương tiện khác và việc đi lại, kinh doanh của những người cư trú gần khu vực đỗ xe.
Đối với chủ nhà bị ô tô đỗ chắn ngang cửa, nếu thật sự quá bất tiện khi kinh doanh hoặc đi lại thì nên có biện pháp nhắc khéo người lái xe dịch lên hoặc dịch xuống để tránh việc chắn toàn bộ tầm nhìn của nhà hoặc chắn lối ra vào nhà, nếu biết được quanh khu vực gần đó có vị trí dừng đỗ thuận tiện thì có thể thông báo cho tài xế biết để di chuyển. Chủ nhà không nên to tiếng hoặc có lời lẽ không phù hợp để tránh “tác dụng ngược” khi người lái cố tình thực hiện quyền hợp pháp khi dừng đỗ xe. Chủ nhà tuyệt đối không nên có các hành vi khóa xe, sơn, vẽ, cạo sơn xe hoặc đập kính, phá gương, chọc lốp hay các hành vi phá hoại xe khác. Bởi hành vi này là trái pháp luật, ngoài việc phải bồi thường thiệt hại cho chủ xe, người thực hiện hành vi còn phải chịu các chế tài của pháp luật như đã phân tích trên.
Trường hợp nhắc nhở nhiều lần nhưng lái xe vẫn cố tình thực hiện các hành vi gây khó khăn cho việc đi lại, kinh doanh của gia đình, chủ nhà có thể thực hiện các biện pháp ví dụ như xì hơi xe hoặc dùng các vật, phương tiện khác để “cản trở” lại quyền sử dụng xe của chủ xe. Các biện pháp này hiện tại pháp luật chưa có chế tài xử phạt nên chủ nhà có thể thực hiện, tuy nhiên, nên thực hiện một cách hạn chế và khéo léo với mục đích nhắc nhở tài xế không nên tiếp tục thực hiện các hành vi tái diễn tương tự, chứ không nên để gây gổ hay làm mất trật tự công cộng.
Thân !