Người tự thú được giảm nhẹ hình phạt như thế nào ?
Thế nào là tự thú, đầu thú ?
Trước đây, Thông tư liên ngành số 05/TTLN ngày 2/6/1990 của Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an), Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Toà án nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp “hướng dẫn thi hành chính sách đối với người phạm tội ra tự thú” đã quy định:
“1. Người đã thực hiện hành vi phạm tội, nhưng chưa bị phát giác, không kể phạm tội gì, thuộc trường hợp nghiêm trọng hay ít nghiêm trọng mà ra tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự…
Người phạm tội đã bị phát hiện mà bỏ trốn, đang bị truy nã nhưng đã tự thú thì tuỳ theo mức độ phạm tội, thái độ khai báo v.v… cũng được hưởng chính sách khoan hồng, có thể được Toà án tuyên miễn hình phạt hoặc giảm nhẹ hình phạt…
Tuy nhiên, sau khi BLHS năm 1999 có hiệu lực pháp luật, qua thực tiễn xét xử và quyết định hình phạt đối với người phạm tội, Toà án nhân dân tối cao thấy rằng việc tự nhận tội của người phạm tội trước và sau khi bị phát hiện đều được áp dụng tình tiết giảm nhẹ giống nhau là không thỏa đáng. Nên sau đó, ngày 10 tháng 6 năm 2002 Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành thêm Công văn số 81/2002/TANDTC giải đáp vấn đề nghiệp vụ cho các tòa cấp dưới như sau:
“Tự thú” là tự mình nhận tội và khai ra hành vi phạm tội của mình, trong khi chưa ai phát hiện được mình phạm tội. Người nào bị bắt, bị phát hiện về một hành vi phạm tội cụ thể, nhưng trong quá trình Điều tra đã tự mình nhận tội và khai ra những hành vi phạm tội khác của mình mà chưa bị phát hiện, thì cũng được coi là tự thú đối với việc tự mình nhận tội và khai ra những hành vi phạm tội của mình mà chưa bị phát hiện. “
“Đầu thú” là có người đã biết mình phạm tội, nhưng biết không thể trốn tránh được nên đến cơ quan có thẩm quyền trình diện để cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật. “
Tình tiết “đầu thú” mặc dù chưa được ghi nhận và định nghĩa trong Bộ luật hình sự 1999, nhưng trên cơ sở đó vẫn được coi là một tình tiết giảm nhẹ khác của người phạm tội, và sau đó, thuật ngữ này đã được ghi nhận trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003.
Hiện nay, Quốc hội đã ban hành Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2018) đã có định nghĩa rất rõ như sau:
“Tự thú là việc người phạm tội tự nguyện khai báo với cơ quan, tổ chức về hành vi phạm tội của mình trước khi tội phạm hoặc người phạm tội bị phát hiện“.
“Đầu thú là việc người phạm tội sau khi bị phát hiện đã tự nguyện ra trình diện và khai báo với cơ quan có thẩm quyền về hành vi phạm tội của mình.“
Người phạm tội tự thú sẽ được hưởng các chính sách như sau:
1. Người phạm tội được hưởng chính sách khoan hồng khi tự thú, đầu thú, thành khẩn khai báo, ăn năn, hối cải…
2. Được xem xét miễn trách nhiệm hình sự khi người phạm tội tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm và lập công lớn hoặc có cống hiến đặc biệt, được Nhà nước và xã hội thừa nhận.
3. Người phạm tội tự thú được áp dụng tình tiết giảm nhẹ hình phạt khi truy cứu trách nhiệm hình sự
4. Người phạm tội được xem xét áp dụng thủ tục rút gọn trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm vụ án (thủ tục đơn giản hóa và đẩy nhanh tiến độ truy cứu trách nhiệm hình sự của người tự thú nhằm nhanh chóng xét xử và thi hành án)